Tử vi miếu ở ba cung Sửu, Ngọ, Mùi, không ưa hai cung
Thìn Tuất.
1. Có khí quý phái, có tài lãnh đạo, có phong thái của người
ra lệnh. Tài năng lãnh đạo có hoàn mĩ hay không? Mệnh lệnh có chính xác hay
không? thì cần phải xem Tử vi ở cung vị nào, và hội hợp với các sao ở tam
phương tứ chính cát hung ra sao mới định được.
2. Có lực điều giải, tức là giỏi khống chế và làm thay đổi.
Cho nên, Tử vi có thể kềm chế các sao hung hãn như Hỏa tinh, Linh tinh, Kình
dương, Đà la, Địa không, Địa kiếp, Hóa Kị. Nhưng lại không tránh được ảnh hưởng
của ám tinh Cự môn. Bởi vì, hoàng đế tuy có thể nhiếp phục được quần thần,
nhưng lại dễ thích nghe lời sàm tấu, Cự môn giống như nịnh thần hay sàm tấu, có
thể gây ảnh hưởng đến sự biểu hiện thanh thế của Tử vi.
3. Có lực khắc chế, là nói đối với hai sao Thất sát và Phá
quân. Phá quân giống như tướng soái ở ngoài trận địa, không nhận mệnh lệnh của
quân vương, nhưng không có Thất sát thì làm sao tâu báo với Tử vi. Nhưng,
"Tử vi Phá quân" đồng cung, cũng có thể biến lực phá hoại của Phá
quân thành lực khai sáng.
4. Có lực cạnh tranh, đặc biệt đối thủ càng mạnh thì đấu trí
của Tử vi càng mạnh. Nếu như hội hợp với các sao có sự trợ giúp cho lực cạnh
tranh như Thiên phủ, Thiên tướng, Hóa Quyền, Hóa Khoa, thì Tử vi càng không dễ
nhượng bộ, giống như bậc quân vương lấy xã tắc làm trọng.
5. Có lòng tự tôn, mà còn có tính cách mạnh mẽ, giống như
hoàng đế nhất định phải giữ sự tôn nghiêm của bản thân. Cho nên, về tính cách
thường có biểu hiện tự cao tự đại, thiện ác tùy tâm. Nếu Tử vi hội chiếu với
sát tinh mà không có sao cát, thì dễ kích động theo kiểu: thương thì cho sống,
ghét thì cho chết. Nhưng khi ở trong nghịch cảnh, Tử vi lại có thể giấu nỗi khổ
trong lòng, không chịu biểu lộ.
Vì Tử vi là “đế diệu”, cho nên rất ưa trăm quan đứng chầu
(bách quan triều củng), rất kị quân thần xa lánh (tại dã cô quân). Bách quan và
quần thần, là chỉ các sao Tả phụ, Hữu bật, Văn xương, Văn khúc, Tam thai, Bát
tọa, Ân quan, Thiên quý, Lộc tồn, Thiên mã, Thiên khôi, Thiên việt. Tuy Tử vi
cũng ưa Thiên phủ, Thiên tướng triều củng, nhưng vẫn không bằng cách "Bách
quan triều củng". Cho nên Tử vi đóng ở cung Mệnh, được "Bách quan
triều củng" thì có thể đại phú đại quý. Còn được cách "Phủ Tướng
triều viên" thì chỉ là cách cục không thấp, nếu chỉ mang đặc tính của Tử
vi để phát huy mà thôi, thì chưa chắc có thể phú quý.
Nếu không có "trăm quan đứng chầu", mà là
"quần thần xa lánh", giả dụ như ngay cả "Phủ Tướng triều
viên" cũng không có được cách này, thế thì, giống như vị vua cô độc nơi
hoang dã (tại dã cô quân). Lúc này Tử vi sẽ có biểu hiện xử sự thiếu hòa hợp,
đây là do sự tôn quý của hoàng đế, vì vậy khác với tư tưởng của người thường.
Sao Tử vi ở trong tình cảnh "Tại dã cô quân",
lại gặp Địa không, Địa Kiếp và tứ sát, thì chỉ thích hợp phát huy tư tưởng siêu
thoát. Cho nên cổ nhân cho rằng trường hợp này thích hợp làm tăng nhân, đạo sĩ.
Nhưng ở thời hiện đại, có thể phát triển thành nhân vật có tư tưởng đặc biệt.
Nếu gặp được Tham lang, Thiên tài, hoặc Liêm trinh, thì có khả năng là nghệ
thuật gia hoặc nhà thiết kế.
Nhưng nếu Tử vi trong hoàn cảnh "tại dã cô
quân" lại gặp các sao Sát, sao Không, còn tương hội với Thái âm, thì trái
lại, tư tưởng siêu thoát sẽ không phát huy. Do ảnh hưởng của Thái âm, sẽ biến
thành người hý lộng thủ đoạn, thích giở mánh khóe.
Ngoại trừ tam phương tứ chính, Tử vi còn chịu ảnh hưởng của
hai cung ở bên trái và bên phải, Tử vi rất ưa Tả phụ Hữu bật giáp cung, kế đến
là Văn xương và Văn khúc giáp cung.
Nếu gặp phải Hỏa tinh và Linh tinh giáp cung, hoặc Kình
dương và Đà la giáp cung, thì Tử vi có khả năng trở thành bạo chúa, tức là phát
huy toàn bộ tính chất xấu của Tử vi.